399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Đau đầu hay đau nửa đầu là một trong những vấn đề có thể khiến cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi, khó chịu khi nó tái đi tái lại và thậm chí ngày nào cũng sẽ phải gặp những cơn đau đầu. Đặc biệt là đau nửa đầu, nó là những cơn đau dữ dội ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.
Để giảm được đau nửa đầu, chúng ta không nên chỉ sử dụng thuốc giảm đau mà cần phải tìm hiểu cho được nguyên nhân gây bệnh, có biện pháp giảm thiểu nó và hạn chế tình trạng đau đầu ngày càng nghiêm trọng hơn chứ không nên lạm dụng thuốc quá nhiều.
Trong các chứng đau đầu do nguyên nhân mạch máu thì đau nửa đầu (Migraine) là bệnh phổ biến nhất. Migraine hay gặp ở lứa tuổi trưởng thành, nữ bị nhiều gấp 3 lần nam, bệnh có tính chất gia đình, đau thường biểu hiện khu trú ở một bên đầu, cơn xảy ra bất kỳ khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng lo lắng, giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Hiệp hội Nhức đầu Quốc tế (IHS) đã thống nhất phân ra hai loại nhức đầu Migraine: Migraine không có aura và Migraine có aura (aura là những triệu chứng xảy ra trước hoặc đồng thời với cơn nhức đầu).
Migraine không có aura: Cơn đau thường bắt đầu vào lúc sáng sớm khi ngủ dậy hoặc vào ban đêm, hiếm khi xảy ra ban ngày, đau từ từ tăng dần và đạt mức tối đa sau vài giờ. Thoạt đầu là đau một bên đầu ở vùng trán hoặc trán - thái dương, sau có thể lan ra toàn bộ đầu và kết thúc ở bên đối diện nhưng không bao giờ đau lan ra vùng mặt. Một đặc điểm nữa là cơn đau tăng lên khi gắng sức, khi tiếp xúc với ánh sáng, tiếng động mạnh, giảm đi khi nghỉ ngơi yên tĩnh trong bóng tối và khi chườm lạnh hoặc day thái dương.
Migraine có aura: Những rối loạn chức năng tạm thời của não xuất hiện trong ít phút báo hiệu cơn đau đầu sẽ đến ngay sau đó. Trong đa số các trường hợp, trình tự của các rối loạn này theo thứ tự như sau: loạn thị giác rồi đến rối loạn cảm giác và ngôn ngữ. Tất cả diễn ra trong vòng vài phút và cuối cùng là cơn đau đầu với đặc điểm tương tự như đau đầu trong bệnh Migraine không có aura.
Dự phòng không dùng thuốc
Trước hết là chế độ ăn, cần hạn chế một số loại thức ăn, đồ uống có chứa tyramin (có thể là yếu tố khởi phát cơn Migraine) như phomát, sôcôla, rượu vang chát đỏ, tránh các chất phụ gia thực phẩm như mì chính, đường hóa học. Lưu ý là việc ăn chay có thể làm thiếu vitamin B12 và một số chất khác làm Migraine nặng hơn.
Hiện nay, chưa thấy có đầy đủ bằng chứng về hiệu quả của châm cứu và vật lý trị liệu đối với Migraine. Tuy nhiên, tâm lý trị liệu lại có hiệu quả trên bệnh nhân Migraine liên quan đến stress, các biện pháp bao gồm các bài tập thư giãn, yoga, giảm căng thẳng.
Mặc dù không có phương pháp điều trị bệnh triệt để nhưng có nhiều thuốc giúp giảm mức độ nặng và tần suất cơn đau đầu. Một phương pháp điều trị đúng kết hợp với các phương pháp thay đổi lối sống có thể đạt được hiệu quả tốt. Trước hết là các thuốc điều trị Migraine cấp tính hay thuốc cắt cơn đau. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, các thuốc giảm đau nên được sử dụng ngay khi mới xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng Migraine.
Các thuốc giảm đau thuộc nhóm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, aspirin đường uống có tác dụng giảm cơn đau mức độ nhẹ, nên dùng phối hợp cùng thuốc chống nôn như metoclopramide hay domperidone. Lưu ý dùng thuốc giảm đau không steroid kéo dài có thể gây loét dạ dày - tá tràng, chảy máu tiêu hóa. Mặt khác, không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi, không dùng metoclopramide cho trẻ nhỏ.
Các thuốc nhóm triptan như sulmatriptan, zolmitriptan dùng để điều trị các cơn đau vừa và nặng, làm giảm triệu chứng đau, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và tiếng động. Thuốc triptan nên uống ngay khi có cơn đau và có thể kết hợp với thuốc chống nôn. Nếu cơn đau đầu tái phát, có thể dùng lại thuốc triptan sau ít nhất 2 giờ. Chống chỉ định dùng triptan khi bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh mạch vành, trẻ em dưới 12 tuổi.
Một loại thuốc khác cũng có thể sử dụng khi bệnh nhân bị đau đầu nặng, đó là thuốc nhóm ergotamin như seglor, tamik. Lưu ý, thuốc nhóm này có nhiều tác dụng phụ, chống chỉ định cho phụ nữ có thai và cho con bú, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, đau thắt ngực không ổn định hay do co thắt mạch, tăng huyết áp không kiểm soát được, bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn. Không được điều trị cùng lúc thuốc nhóm ergotamin với triptan.
Nếu điều trị các thuốc trên không có hiệu quả, có thể phối hợp nhóm triptan với thuốc giảm đau không steroid như sumatriptan và ibuprofen. Trong trường hợp đã dùng phối hợp hai nhóm giảm đau không steroid và triptan đường uống mà bệnh nhân vẫn đau đầu thì phải dùng thuốc dạng tiêm, diclofenac tiêm bắp và chlorpromazine tĩnh mạch hay metoclopramide tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Nếu cơn đau Migraine kéo dài trên 3 ngày thì ibuprofen (naproxen) và diclofenac được khuyến cáo sử dụng thay vì dùng nhóm triptan.
Điều trị dự phòng
Vấn đề điều trị dự phòng (điều trị mạn tính) Migraine đặt ra khi bệnh nhân có ít nhất 2 cơn Migraine mỗi tuần hoặc Migraine ảnh hưởng tới đời sống bệnh nhân mặc dù đã được điều trị cắt cơn hoặc các thuốc cắt cơn có chống chỉ định, không hiệu quả, không dung nạp hay có tình trạng lạm dụng thuốc. Điều trị dự phòng làm giảm tần suất và mức độ nặng của cơn đau, có thể làm tăng hiệu quả của thuốc giảm đau.
Hầu hết các thuốc điều trị dự phòng đều không có tác dụng cắt cơn đau ngay lập tức và có thể có một số tác dụng phụ. Các nhóm thuốc tim mạch: thuốc chẹn beta - được dùng trong điều trị tăng huyết áp và bệnh lý mạch vành, có tác dụng giảm tần suất và mức độ nặng của các cơn Migraine. Đây là thuốc đầu tay trong điều trị dự phòng. Các thuốc chẹn kênh canxi cũng có tác dụng như: verapamil, sibelium.
Thuốc chống trầm cảm cũng thuộc nhóm thuốc đầu tay trong điều trị dự phòng Migraine, các thuốc chống trầm cảm như amitriptilin, nortriptyline có tác dụng điều trị tốt với nhiều loại đau đầu, trong đó có Migraine... Bên cạnh đó, thuốc kháng động kinh như depakine, topiramate (topamax) và gabapatine (neurontine) cũng có tác dụng giảm tần suất cơn Migraine. Tuy nhiên, các thuốc này có rất nhiều tác dụng phụ như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, hạ huyết áp…, chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Vấn đề điều trị ngoại khoa Migraine chỉ đặt ra khi điều trị nội khoa thất bại, các biện pháp hay dùng là phẫu thuật cắt động mạch thái dương nông, áp lạnh động mạch thái dương.